Nghiên cứu Thảo dược tăng tiết sữa của Bác sỹ PGS. TS. Nguyễn Thị Bay

Không phải đến khi khoa học phát triển thì con người mới có ý thức về sự quý giá của sữa mẹ, mà ngay cả khi con người còn mông muội, dựa trên kinh nghiệm sống, người ta luôn ý thức về tầm quan trọng của sữa mẹ trong việc nuôi dưỡng con người. Sự quan tâm chăm sóc sức khoẻ người mẹ từ lúc mang thai đến sau khi sinh nở để tạo nguồn sữa quý cho con, được lưu truyền trong dân gian đến các tư liệu y học. Dược thảo giúp bổ huyết an thai, dược thảo giúp mẹ khoẻ có nhiều sữa không thiếu trong các tài liệu y học từ cổ chí kim.

Sữa mẹ từ lâu đã được trân trọng và được xem như biểu tượng nguồn sống nuôi dưỡng con người. Chẳng thế mà văn hoá phương Tây từ trước Công Nguyên, theo truyền thuyết La Mã, đã lưu truyền câu chuyện cảm động được nhiều danh hoạ phác nên, về nàng Pero hiếu thảo dùng sữa của mình vừa nuôi con, vừa nuôi cha đang chịu cảnh tù tội.

Tinh trùng của cha kết hợp cùng trứng của mẹ tạo ra một phôi bào đầu tiên chứa nhiễm sắc thể X-Y mang thuộc tính di truyền của cha mẹ. Từ đó, phôi bào người được chính cơ thể mẹ cưu mang, nuôi dưỡng, phát triển thành cấu trúc bào thai và được sinh ra đời. Trong bụng mẹ, bào thai được nuôi dưỡng từ cuống nhau – thông dòng máu mẹ; khi chào đời, con người được tiếp tục nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Sữa mẹ chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho bé sơ sinh non yếu, giúp duy trì và phát triển hệ miễn dịch cơ thể trẻ, giúp trẻ miễn nhiễm với một số vi sinh vật có thể thâm nhập gây bệnh.

Quan niệm theo y học cổ truyền

Sữa mẹ do Khí – Huyết của mẹ hoá sinh mà ra. Khí Huyết nương tựa vào nhau, nuôi dưỡng hoạt động sống. Trong đó, Khí có tính quyết định cho việc sinh Huyết: “Không có Khí thì sữa không hoá, không có Huyết thì sữa không sinh (Phó thanh chủ Nữ khoa).” Nếu khí huyết kém thì sữa ít đi hoặc không có sữa. Các nguyên nhân như ăn uống thiếu thốn, lao động quá sức, bệnh cấp và mạn tính xảy ra trong thời kỳ mang thai, đều làm tổn thương khí huyết mà gây ra thiếu sữa.

Ở sản phụ khoẻ mạnh, khi mới sinh sẽ mất máu nhiều, nhờ Khí mà thời gian đầu vẫn sinh ra sữa. Sau đó nếu không được nuôi dưỡng tốt, sữa sẽ xuống ít dần rồi khô kiệt, đó là do Huyết đã thiếu mà Khí lại suy. Vì vậy sau sinh, sản phụ cần đại bổ khí huyết.

Đối với sản phụ có bệnh kèm theo, càng cần phải chú ý tình trạng Khí – Huyết cũng như điều trị bệnh nền. Do đó, những kinh nghiệm dân gian như quả Đu đủ hầm giò heo, cháo gạo nếp và Thông thảo, Xuyên sơn giáp, Vương bất lưu hành… chỉ để giúp tăng sữa cho sản phụ khoẻ mạnh, khí huyết cân bằng. Riêng những sản phụ khí huyết kém, hay có bệnh thường phải điều trị bằng các bài thuốc phù hợp.

Tuỳ thuộc vào biểu hiện, tình trạng ít hay không có sữa sau sinh, hoặc có sữa non rồi sau đó mất sữa…, bệnh cảnh có thể là:

Khí Huyết hư nhược

Khí huyết hư do Tỳ Vị hư nhược làm khả năng hóa sinh bất túc, hoặc do lúc sinh mất máu quá nhiều thì cần phải bổ khí ích huyết. Biểu hiện gồm có sữa ít, vú không căng đầy, nhão bệu, sắc mặt tái hơi vàng nhợt, da khô, yếu sức, sợ lạnh, chóng mặt, ù tai, hồi hộp, thở ngắn, đau mỏi đùi vế, tiểu nhiều lần, lưỡi nhợt ít rêu, mạch hư tế… Trường hợp này có thể sử dụng bài thuốc “Thông nhũ đơn” hoặc bài “Hoàng kỳ bát vật.”

Bài thuốc thông nhũ đơn: Nhân sâm, Hoàng kỳ, Đương quy, Mạch môn, Thông thảo, Cát cánh, Móng heo. Toàn bài có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, sơ thông kinh lạc.

Bài thuốc Hoàng kỳ bát vật: Thục địa, Chích hoàng kỳ, Bạch truật, Bạch linh, Xuyên khung, Đương quy, Bạch thược, chích thảo, kèm 1/2 chén rượu trắng. Bài thuốc có tác dụng Bổ khí ích huyết, tạo nguồn sinh hoá dồi dào thì sữa tự sinh.

Chứng khí uất

Sản phụ sau sinh có điều phiền lòng hờn giận, hoặc căng thẳng do mất hoà khí trong gia đình, buồn bã hoặc trầm cảm sau sinh làm cho Can khí uất kết, khí không thể vận hành huyết mà sinh sữa, bầu vú sưng lên nhưng không có sữa hoặc sữa căng mà không chảy ra… có các bệnh cảnh kèm theo:

  • Chứng khí uất đơn thuần: Sắc mặt như tro xám, tinh thần uất ức, ợ hơi, tức ngực, ăn kém, có khi đau bên hông, có khi sình bụng đại tiện không thông, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch huyền, vú sưng nhưng không có sữa, có thể dùng bài thuốc “Hạ nhũ dũng tuyền tán”.

Bài thuốc Hạ nhũ dũng tuyền tán

(Trích Thanh thái y viện phối phương) gồm: Đương quy, Bạch thược, Sinh địa, Xuyên khung, Sài hồ, Thanh bì, Ba phấn, Lậu lô (cây dầu ma), Cát cánh, Thông thảo, Bạch chỉ, Sơn giáp, Vương bất lưu hành, Cam thảo. Toàn bài có tác dụng Dưỡng huyết – sơ can – giải uất, thông lạc hành sữa.

  • Chứng khí uất kèm huyết trệ: Sản hậu mất sữa, vú sưng căng, sắc mặt tím sẫm, tinh thần uất ức, tức ngực ợ hơi, đại tiện không thông, lưỡi xanh, rêu lưỡi trắng mỏng và nhớt, mạch trầm sác, nên dùng bài thuốc “Lậu lư thang.”

Bài thuốc Lậu lô thang (Trích: Y lược lục thư) gồm: Lậu lô, Xích thược, Cát cánh, Bạch chỉ, Cam thảo, Tạo giác thích, Đương quy, Xuyên khung, Chỉ xác, Mộc hương. Bài thuốc này trị chứng mất sữa vì khí huyết ẩm trệ, chứng mất sữa vì khí huyết hư không nên dùng.

Xích đậu ẩm: Đậu đỏ nấu cháo với gạo nếp, ăn lúc bụng đói vài ngày đầu sau sinh.

Trư đề thang: Móng chân heo 2 cái, Thông thảo 2 lượng sác với rượu và nước.

Ngoài ra, theo “Vạn Thị phụ nhân khoa” của Vạn Mật Trai thì ngoài nguyên nhân khí huyết hư còn có nguyên nhân là do phụ nữ mới sinh lần đầu, tia sữa chưa chảy đều. Ông dùng bài Gia vị tứ vật thang bao gồm: Đương quy, Nhân sâm, Xuyên khung, Xích thược, Sinh địa, Cát cánh, Cam thảo, Mạch đông, Bạch chỉ. Nếu thấy sữa không ra mà kèm theo mình nóng, bụng ngực đầy chướng khó chịu, mắt mờ thì gia thêm Mộc thông, Hoạt thạch.

Quan niệm mới

Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu về hiệu quả của thảo dược giúp làm tăng lượng sữa mẹ.

Một nghiên cứu cách đây 2 năm (2018) được thực hiện để điều tra tác dụng tăng sữa mẹ, tăng prolactin, và tăng cân của trẻ ở các bà mẹ sinh sớm hơn 37 tuần và cân nặng con lúc sinh nhẹ hơn 2000g. Các bà mẹ được chia làm hai nhóm. Nhóm can thiệp sử dụng trà thảo dược trong một tuần, thành phần gồm Urtica diocia L.(cây tầm ma), Melisa officinalis L.(Tía tô), Carum carvi L.(hồi hương), Pimpinella anisum (tiểu hồi cần ), Foeniculi vulgare Mill (tiểu hồi hương), Galega officinalis, Cymbopogon citratus (sả chanh). Nhóm giả dược sử dụng trà hoa quả trong một tuần; thành phần gồm bụp giấm, quả tầm xuân, chanh, cam, táo, vitamin C. Nhóm chứng không dùng trà thảo dược cũng như không có can thiệp gì khác. Kết quả cho thấy nhóm can thiệp trà thảo dược có đến 80% các bà mẹ có tăng lượng sữa, trong khi tỷ lệ này ở nhóm giả dược là 34.3% và nhóm chứng là 30% (nhóm trà thảo dược tăng tiết sữa tốt hơn gấp 2 lần trà hoa quả và gấp gần 3 lần nhóm không can thiệp). Như vậy, trà thảo dược nêu trên có khả năng làm tăng lượng sữa ở các bà mẹ sinh non để ngăn ngừa thiếu sữa.

Một nghiên cứu khác mới hơn (2019) của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học y khoa Nam Carolina (Medical University of South Carolina) của Hoa Kỳ đã chứng minh hiệu quả tăng sữa mẹ của chế phẩm trà thảo dược với thành phần trà gồm Foeniculum vulgare (tiểu hồi), Pimpinella anisum, Coriandrum sativum (rau mùi), Trigonella foenum-graecum (cỏ cà ri), Cnicus benedictus (kế sữa), Mentha spicata (bạc hà), Cymbopogon citratus (sả chanh), Aloysia citrodora (cỏ roi ngựa), Althaea officinalis (mãn đình thuốc). Nghiên cứu chia 60 bà mẹ bị thiếu sữa và đang cho con bú thành hai nhóm: nhóm can thiệp dùng trà thảo dược và nhóm chứng dùng lá của cây Aloysia citriodora. Tổng thời gian dùng trà là 30 ngày. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm về tất cả các chỉ số bao gồm chất lượng cuộc sống, sự phát triển của trẻ, tự đánh giá hiệu quả bú mẹ, thang điểm tâm lý của mẹ.

Đối với bài thuốc YHCT, một nghiên cứu về bài thuốc Đương quy điều huyết ẩm (Đương quy 2g, Xuyên khung 2g, Địa hoàng 2g, Bạch truật 2g, Phục linh 2g, Trần bì 2g, Hương phụ 2g, Mẫu đơn bì 2g, Ô dược 2g, Đại táo 1.5g, Ích mẫu 1.5g, Can khương 1.5g, Cam thảo 1.5g) được nhóm nghiên cứu Takahisa Ushiroyama và cộng sự công bố năm 2007, với 82 phụ nữ sinh thường tại bệnh viện Đại học Y khoa Osaka, Nhật Bản được chia làm hai nhóm: nhóm can thiệp dùng Đương quy điều huyết ẩm 6 g/ngày, nhóm chứng dùng ergometrine 0.375 mg/ngày. Kết quả sau 6 ngày can thiệp, thể tích sữa ở nhóm dùng bài thuốc Đương quy điều huyết ẩm, nồng độ prolactine và oxytocin huyết thanh ở nhóm can thiệp cao hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng. Điều này cho thấy Đương quy điều huyết ẩm có khả năng tăng lượng sữa ở phụ nữ ngay sau sinh.

Các nghiên cứu nói trên đã minh chứng cho các bài thuốc cổ truyền được sử dụng hằng ngàn năm điều trị cho các bà mẹ sau sinh thiếu sữa là có cơ sở khoa học.

Không phải đến khi khoa học phát triển thì con người mới có ý thức về sự quý giá của sữa mẹ, mà ngay cả khi con người còn mông muội, dựa trên kinh nghiệm sống, người ta luôn ý thức về tầm quan trọng của sữa mẹ trong việc nuôi dưỡng con người. Sự quan tâm chăm sóc sức khoẻ người mẹ từ lúc mang thai đến sau khi sinh nở để tạo nguồn sữa quý cho con, được lưu truyền trong dân gian đến các tư liệu y học. Dược thảo giúp bổ huyết an thai, dược thảo giúp mẹ khoẻ có nhiều sữa không thiếu trong các tài liệu y học từ cổ chí kim. Ở nước ta, tài liệu đầy đủ nhất có thể kể Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh và Hải thượng y tôn tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Kết hợp với các thành tựu hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ sản phụ và bà mẹ, y học cổ truyền đóng vai trò không thể thiếu trong việc bổ trợ sức khoẻ cho mẹ, qua đó nuôi dưỡng và nâng đỡ thể trạng cho bé. Sự kết hợp tuyệt vời này không chỉ tối ưu hoá sự nuôi dưỡng, mà còn là sợi dây nối vô hình về văn hoá và truyền thống giữa các thế hệ bà mẹ Việt Nam với nhau.

Tài liệu tham khảo

  1. Bazzano, Alessandra N., et al. (2016), “A review of herbal and pharmaceutical galactagogues for breast-feeding”, Ochsner Journal. 16(4), pp. 511-524.
  2. Forinash, Alicia B., et al. (2012), “The use of galactogogues in the breastfeeding mother”, Annals of Pharmacotherapy. 46(10), pp. 1392-1404.
  3. Hải, Đường Tôn (1987), Huyết chứng luận, Hội Y Học Dân Tộc Thành Phố Hồ Chí Minh, pp. 13-14.
  4. Kỳ, Trần Văn (1997), Điều trị phụ khoa Đông y, NXB Y Học, pp. 81-83.
  5. Lượng, Lý Văn (2020), Thiên gia diệu phương, NXB Dân Trí, p. 361.
  6. Ozalkaya, E., et al. (2018), “Effect of a galactagogue herbal tea on breast milk production and prolactin secretion by mothers of preterm babies”, Nigerian journal of clinical practice. 21(1), pp. 38-42.
  7. Sơn, Phó (2007), Phó Thanh Chủ nữ khoa và nhi khoa, NXB Phương Đông, pp. 220-223.
  8. Trai, Vạn Mật (1963), Vạn Thị phụ nhân khoa, Nhà thuốc Hồi Xuân.
  9. Ushiroyama, Takahisa, et al. (2007), “Xiong-gui-tiao-xue-yin (Kyuki-chouketsu-in), a traditional herbal medicine, stimulates lactation with increase in secretion of prolactin but not oxytocin in the postpartum period”, The American journal of Chinese medicine. 35(02), pp. 195-202.
  10. Wagner, Carol L., et al. (2019), “The Safety of Mother’s Milk® Tea: Results of a Randomized Double-Blind, Controlled Study in Fully Breastfeeding Mothers and Their Infants”, Journal of Human Lactation. 35(2), pp. 248-260.

PGS. TS. BS Nguyễn Thị Bay

Nguyên Trưởng bộ môn Bệnh học

Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP. HCM

Theo Tạp Chí Sức Khỏe

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *